Lùa gà là gì?
“Lùa gà” là một thuật ngữ phổ biến trong cộng đồng đầu tư và tài chính. Đặc biệt là trong các nhóm đầu tư chứng khoán, tiền điện tử, và các loại hình đầu tư có tính rủi ro cao.
Thuật ngữ này thường mang ý nghĩa tiêu cực. Ám chỉ hành vi lừa đảo hoặc thao túng tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ (thường được gọi là “gà”). Họ sẽ thao túng để “gà” mua vào hoặc bán ra một loại tài sản nào đó theo ý muốn của nhóm người có lượng vốn lớn hơn (thường được gọi là “cá mập” hoặc “tay to”). Sau này phổ biến hơn, thì thuật ngữ lùa gà được sử dụng để ám chỉ tới bất kể lĩnh vực nào có thể.
Thú thực thì tôi cũng từng là gà. Cũng từng trong các hội nhóm như thế để họ lùa. Và phải nói ghét cay ghét đắng bọn bố láo mất dậy đấy. Sẵn sàng tạo nghiệp mà không nghĩ gì tới tài khoản đang cháy của người khác.
Lại nói đến câu chuyện lùa gà này. Sau khi facebook của tôi post chơi chơi đánh vài mã chứng khoán cho bạn bè tăng tương tác (Tôi ghi rõ luôn là đừng có đánh theo tôi kẻo mất tiền). Liền ngay sau đó, có rất nhiều lời đề nghị từ trực tiếp đến gián tiếp. Họ đề nghị tôi hãy giới thiệu tới người theo dõi của mình các loại mã, hoặc không thì giới thiệu đăng ký tài khoản. Tôi thấy có mùi nên từ đó thắng hay thua, tôi cũng chả post hay chia sẻ với ai nữa.
Cách thức lùa gà thường thấy
Bởi vì tôi biết cái hậu quả của việc lùa gà này là rất khủng khiếp. Như đã nói, khi mới gia nhập thị trường tôi cũng là con gà như bao người thôi. Tôi cũng bị hết người này lừa đến người kia bịp không thương tiếc. Dù trước mặt họ có nói họ thích mình hay tôn trọng mình thế nào.
Dưới đây là một số hình thức lùa gà thường thấy ở trên thị trường.
1) Tung tin ảo ra thị trường
Đầu tiên, “tay to” mà từ giờ tôi sẽ gọi là nhóm thao túng, họ sẽ tung tin ảo ra thị trường. Nếu nhóm thao túng muốn gom hàng, họ sẽ sử dụng năng lực của các nhóm, group lùa gà, thậm chí là cả báo chí, truyền thông để đưa tin ảo tới nhà đầu tư.
Họ sẽ tung ra những tin đồn chẳng hạn như công ty này đang trong quá trình thanh lọc rồi, nhân viên bị sa thải hết. Rồi thì năm nay làm ăn bết bát lắm. Không thì cũng là thằng chủ tịch tham, nó tuồn hết tiền ra công ty con rồi, nhà đầu tư ở lại chả đớp được gì đâu. Không thì cũng là tài sản đầu tư đang tránh chấp, rồi bị kiện, blah blah blah.. Và sau khi bạn bán ra cổ phiếu với giá rẻ mạt thì lúc đó nhóm thao túng sẽ bắt đầu gom hàng.
2) Tạo hiệu ứng FOMO
Đương nhiên khi bị lùa, ai cũng hoang mang cả. Bởi vì 1 tin tức đưa ra, nó có thể đúng và không đúng. Và chỉ có người có kinh nghiệm trên thị trường họ mới kiểm chứng được phần nào. Còn người ít kinh nghiệm thì muốn kiểm chứng cũng không biết tìm thông tin để đối chiếu.
Rồi sau đó nhìn bảng điện bắt đầu đỏ rạp. Gớm, mở app lên thấy tài khoản thọt dần theo phút. Bố ai mà chả sợ mà tâm lý nghiêng về phía lùa gà và FOMO theo hiệu ứng.
3) Pump hoặc dump
Những nhóm thao túng này đương nhiên là họ có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Những đội nhóm lùa gà đấy chỉ là một bộ phận chân rết của họ với nhiệm vụ đi lùa chứ tiền vào thị trường của họ không quá 10 triệu tiền cổ phiếu.
Cao cấp hơn là cái nhóm dùng dòng tiền để pump (bơm giá) hay dump (xả hàng) kia cơ. Bởi những cái tin đồn ngu ngốc đó sẽ chả có ý nghĩa gì nếu giá cổ phiếu không bật nảy hoặc rung lắc.
Như đã nói, nhiều khi họ sẽ pump giá lên để xả. Và dump giá xuống để vào gom. Ai không tỉnh táo là chịu lỗ hoặc mất cổ phiếu ngay.
4) Lợi dụng sàn giao dịch hoặc công cụ tài chính
Một trong những lý do mà tôi không còn máu me nhiều với thị trường chứng khoán VN nữa đó là sự thiếu minh bạch và quá nhiều kẽ hở. Con người thì quá khôn, quá lọc lõi, trong khi thị trường thì quá nhiều kẽ hở.
Cái khốn nạn nhất là T+. Rồi thì ATO, ATC. Chưa nói đến lùa gà, chỉ lợi dụng những thứ này để tuồn hàng và tráo hàng là nhà đầu tư đã chết mệt rồi.
Hậu quả của lùa gà là gì?
Lùa gà đem lại rất nhiều hậu quả và hệ lụy.
Đầu tiên nó sẽ khiến nhà đầu tư thiệt hại tài chính và thiệt hại nặng. Người nào nhẹ nhàng thì cũng bị chúng nó thịt cho vài chục triệu. Nặng hơn thì vài trăm hoặc thậm chí tiền tỷ hay chục tỷ cũng có.
Vâng, trong kinh doanh anh có thể là một doanh nhân tài ba. Nhưng lên sàn, anh chỉ là con gà và nhận sự cố vấn, đường đi nước bước của đám lùa gà mới tốt nghiệp đại học, lương chưa tới 7 triệu.
Tiếp đến là tâm lý hoảng loạn. Đơn giản là mất niềm tin vào thị trường. Khủng hoảng hơn nữa là gia đình tan nát và phải nhảy cầu để kết liễu bản thân.
Và đương nhiên, khi bị lùa cho cháy tài khoản thì không còn khả năng đầu tư nữa.
Tất cả những chiêu thức trên ở những thị trường tài chính khác như tiền điện tử, forex cũng tương tự. Có thể khác hình thức, tên gọi, nhưng về mặt bản chất thì y xì nhau.
Vậy làm thế nào để tránh lùa gà?
Bước 1, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng thứ mà bạn muốn đổ tiền vào. Bạn muốn mã chứng khoán nào, bạn muốn đồng coin nào. Hãy dành thời gian để nghiên cứu về công ty đó, về công nghệ đó, vệ sự phổ biến của nó để tránh mất tiền oan.
Bước 2, tránh FOMO. Điều này nghe có vẻ dễ, và trên thực tế nhiều người ở ngoài đời không có tâm lý này. Nhưng vào thị trường, bởi vì lòng tham và sợ hãi nên FOMO không ai bằng.
Bước 3, hãy theo dõi những nguồn tin đáng tin cậy. Điều này là rất khó, bởi vì chả có cái gì tin được. Một thông tin có thể bị bẻ lái theo nhiều chiều, nên phải rất thận trọng.
Bước 4, hãy diversify danh mục đầu tư. Đừng bỏ trứng vào một giỏ. Hãy phân bổ danh mục hợp lý. Ví dụ ông nào thích lướt sóng, mê đầu tư kiểu đánh bạc thì cứ bỏ ra 10, 20, 30% tài khoản dành riêng cho việc đó. Chứ không được chơi kiểu khát nước, bỏ 100% vốn vào hold. Xong được mấy hôm vã không chịu được thì đem đống hold đó lướt sóng lúc nào không hay.
Bước 5 là cảnh giác với chiến lược bơm xả. Đôi khi đó chỉ là nhóm thao túng, lùa gà. Nhưng đôi khi nó lại là cá mập với số vốn lên tới hàng trăm, hàng tỷ đô la.
Nguồn: Lai.H